TP.HCM phát triển thuốc công nghệ cao

20:55 - 12/11/2024 29

Quốc hội xem xét nhiều quy định mới đưa ngành Dược thành ngành công nghiệp mũi nhọn
Danh sách các cơ sở trong nước đạt tiêu chuẩn nguyên tắc GLP (Cập nhật tới ngày 11/10/2024)
Danh sách các đợt đánh giá Thực hành tốt (GxP) đã tiến hành năm 2024 (Cập nhật tới ngày 11/10/2024)
Danh sách các CSSX trong nước đạt tiêu chuẩn nguyên tắc GMP, GMP bao bì dược phẩm (Cập nhật tới ngày 11/10/2024)
Cùng tìm lời giải cho phát triển thị trường dược phẩm trong nước từ chuyển đổi số

Phát triển, sản xuất thuốc công nghệ cao là mục tiêu TP.HCM hướng tới, nhằm giảm phụ thuộc vào thuốc nhập khẩu, đảm bảo an ninh về thuốc.

UBND TP.HCM đã ban hành Đề án Phát triển công nghiệp dược TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó định hướng xây dựng khu công nghiệp (KCN) Y - Dược tại KCN Lê Minh Xuân 2 (H.Bình Chánh) quy mô 338 ha để sản xuất thuốc. Bao gồm sản xuất các thuốc phát minh, chuyển giao công nghệ, thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc generic (thuốc hết hạn bảo hộ) có dạng bào chế công nghệ cao, vắc xin, sinh phẩm, trang thiết bị xét nghiệm, sản phẩm y sinh kỹ thuật cao. Đề án thuộc một trong những chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp (DN), khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực của TP.HCM nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng bộ TP.

Chỉ tiêu của đề án tăng từ 5 cơ sở sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn quốc tế (GMP-EU, GMP-PIC/S, TGA) lên 7 cơ sở vào năm 2025 và tăng hơn 10 cơ sở vào năm 2030, hơn 30 cơ sở vào năm 2045. Tăng số lượng thuốc công nghệ cao, gồm: thuốc công nghệ sinh học, thuốc điều trị ung thư, các chế phẩm từ huyết tương...; ứng dụng công nghệ nano trong bào chế các hệ phân tán thuốc… từ 5 sản phẩm (hiện nay) lên 8 vào năm 2025, 10 sản phẩm vào năm 2030 và 25 sản phẩm vào năm 2045.

Để thực hiện đề án, TP.HCM sẽ xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách, đồng thời kiến nghị T.Ư các cơ chế tạo điều kiện cho DN đầu tư, xây dựng nhà máy nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm kỹ thuật cao để hình thành và phát triển khu công nghiệp chuyên ngành Y - Dược.

UBND TP.HCM giao Sở Y tế TP.HCM chủ trì, phối hợp với các sở, ngành để xúc tiến. Theo đó, ngành y tế TP.HCM huy động vốn đối tác công tư (PPP) để đầu tư cơ sở hạ tầng, xử lý nước thải, hạ tầng công nghệ thông tin; vốn đầu tư nước ngoài (FDI); vốn DN tư nhân. Thời gian qua, Sở Y tế TP.HCM đã có nhiều cuộc tiếp xúc DN tư nhân kêu gọi đầu tư vào đề án này.

Chính quyền TP.HCM cũng có chính sách dành cho các DN 100% vốn trong nước là hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM. Riêng TP.HCM sẽ bố trí vốn ngân sách đầu tư cơ sở hạ tầng.

Theo Sở Y tế TP.HCM, hiện TP có rất nhiều lợi thế để phát triển KCN Y - Dược. Theo đó, hiện TP có 43 nhà máy dược phẩm đạt chuẩn GMP-WHO, phân bổ chủ yếu tại các khu chế xuất, KCN và khu công nghệ cao, chủ yếu sản xuất các thuốc generic cung cấp cho thị trường trong nước và một phần xuất khẩu. Tính đến thời điểm hiện tại, các số đăng ký thuốc còn hiệu lực của các nhà máy trên địa bàn TP.HCM là khoảng 2.530, chiếm khoảng 10% tổng số đăng ký còn hiệu lực của cả nước. Tổng số nhân lực dược công tác tại các đơn vị hành chính sự nghiệp khoảng 3.000 người, tại các cơ sở sản xuất là 4.223 người (24 nhà máy được khảo sát).

Đặc biệt, TP.HCM cũng có lợi thế về thị trường đầu ra với 132 bệnh viện và trung tâm y tế có giường bệnh; 1.202 DN bán buôn và 6.529 nhà thuốc cũng như đầu mối để xuất khẩu. Ngành hóa dược (sản xuất thuốc và dược liệu) là ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao và là một trong những ngành mà TP.HCM có tính cạnh tranh cao do có lợi thế về nguồn nhân lực, trình độ lao động, công nghệ và vốn đầu tư của DN.

Theo đại biểu Quốc hội, PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, định hướng sản xuất thuốc của TP.HCM mang hàm lượng chất xám rất cao và phù hợp với xu thế phát triển khoa học công nghệ, đặc biệt là đối với một thành phố có đầu ra tiêu thụ lớn. Bên cạnh đó, hệ thống bệnh viện có lực lượng y bác sĩ và số bệnh nhân lớn để có những kết quả nghiên cứu tốt. Tuy nhiên, phải xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng nên đầu tư cái gì, ở đâu, cái nào cần khuyến khích. Điều này cần cụ thể hóa trong luật Dược. Các chuyên gia khác cũng cho rằng TP.HCM cần có các trung tâm nghiên cứu thuốc độc lập; tận dụng sẵn các nhà máy hiện có để phát huy hết công suất…

Theo Duy Tính- thanhnien.vn

Thông tin chi tiết về TƯ VẤN - THIẾT KẾ - THI CÔNG PHÒNG SẠCH, vui lòng liên hệ:

Công ty Cổ phần Cơ điện Phòng sạch Anh Khang

Hotline: 1900 636 814

Email: info@akme.com.vn

Website: akme.com.vn

Add: Lô B7 Xuân Phương Garden, Đường Trịnh Văn Bô, Phường Phương Canh, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.