Minh bạch trong quản lý ngành dược
15:10 - 17/09/2020 344
TP.HCM phát triển thuốc công nghệ cao
Quốc hội xem xét nhiều quy định mới đưa ngành Dược thành ngành công nghiệp mũi nhọn
Danh sách các cơ sở trong nước đạt tiêu chuẩn nguyên tắc GLP (Cập nhật tới ngày 11/10/2024)
Danh sách các đợt đánh giá Thực hành tốt (GxP) đã tiến hành năm 2024 (Cập nhật tới ngày 11/10/2024)
Thị trường dược phẩm Việt Nam hiện đạt quy mô gần sáu tỷ USD, mức tăng trưởng hằng năm gần 12%, lớn thứ hai khu vực Ðông - Nam Á. Cả nước có hơn 61 nghìn cơ sở kinh doanh thuốc, 1.400 bệnh viện... đòi hỏi công tác quản lý nhà nước ngành dược cần có những thay đổi. Và thực hiện số hóa là bước đi phù hợp.
Theo Cục trưởng Quản lý dược Vũ Tuấn Cường, từ năm 2018 đến nay, Cục Quản lý dược đã triển khai bảy hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trên phạm vi toàn quốc, bao phủ các lĩnh vực lớn của ngành dược: dịch vụ công trực tuyến, quản lý thuốc, quản lý cơ sở cung ứng thuốc, quản lý chứng chỉ hành nghề. Việc ứng dụng công nghệ nhằm thực hiện chủ trương chuyển đổi số ngành dược, tác động tới hơn 60 nghìn cơ sở cung ứng thuốc và doanh nghiệp trên toàn quốc. Năm 2018, Cục Quản lý dược đã thực hiện xây dựng, kết nối, liên thông thành công 13 dịch vụ công trực tuyến với cơ chế một cửa quốc gia, đồng thời với việc tiếp tục duy trì các dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực công bố mỹ phẩm và xác nhận thông tin quảng cáo thuốc. Ðến năm 2019, Cục Quản lý dược tiếp tục hoàn thành và đưa vào hoạt động các dịch vụ công trực tuyến phục vụ việc kê khai và kê khai lại giá thuốc; hoàn thiện từng bước các phần mềm xử lý tác nghiệp đăng ký thuốc, quản lý chất lượng thuốc, quản lý kinh doanh dược để tiến tới cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong lĩnh vực này. Ðến hết năm 2020, Cục Quản lý dược sẽ tiếp tục hoàn thiện để kết nối thêm chín dịch vụ công trực tuyến trên nền tảng các dịch vụ công trực tuyến đã tích hợp lên Cổng dịch vụ công Bộ Y tế.
Lễ công bố số hóa và kế hoạch chuyển đổi số ngành dược do Bộ Y tế tổ chức.
Ðến nay, Cục Quản lý dược đã hoàn thành và cung cấp 93 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 phục vụ người dân và doanh nghiệp (đạt 100%) được tích hợp lên Cổng dịch vụ công Bộ Y tế. Theo thống kê từ ngày 1-1-2020 đến nay, có 18.027 hồ sơ được xử lý trực tuyến. Hiện nay, cục có 15 dịch vụ công trực tuyến tham gia cơ chế một cửa quốc gia trong lĩnh vực: xuất nhập khẩu thuốc và công bố mỹ phẩm. Ðã xử lý hồ sơ, thông quan điện tử 10.943 đơn hàng nhập khẩu thuốc và nguyên liệu làm thuốc... Việc hoàn thành, cung cấp 100% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đã tạo điều kiện thuận lợi cao nhất cho cá nhân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính tại cục, giảm thời gian gửi, nhận hồ sơ, tăng tính công khai, minh bạch, tránh được phiền hà, nhũng nhiễu trong việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính, giúp doanh nghiệp dễ dàng theo dõi tiến độ xử lý hồ sơ. Qua đó, đã đem lại hiệu quả kinh tế do cắt giảm được chi phí đi lại, lưu trữ, bảo quản, văn phòng phẩm, nhân công...
Theo Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường, chuyển đổi số ngành dược là bước tiến, chuyển đổi quan trọng trong công cuộc phát triển ngành dược nhằm hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, tăng tính minh bạch, công minh trong quản lý điều hành ngành dược. Ðáng chú ý, việc triển khai kết nối mạng các nhà thuốc trên toàn quốc đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, quản lý giá thuốc và tăng cường kiểm soát thuốc kê đơn và bán thuốc kê đơn trên cả nước, góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về chống kháng thuốc kháng sinh, quản lý, bảo đảm chất lượng nguồn thuốc. Chuyển đổi số trong ngành dược góp phần xây dựng hệ thống y tế Việt Nam hiện đại, chất lượng, công bằng, hiệu quả và hội nhập quốc tế, hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận thông tin về thuốc; đồng thời giúp tăng cường việc quản lý, bảo đảm sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và hiệu quả.
Mặc dù công tác quản lý thuốc đã đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên hoạt động cung ứng và sử dụng thuốc vẫn còn gặp nhiều thách thức, cần tăng cường ứng dụng CNTT để quản lý. Ðó là tình trạng mua bán thuốc không theo đơn, tình trạng mua bán thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc giả, thuốc kém chất lượng. Hệ thống phân phối thuốc còn trải qua nhiều khâu trung gian, gây khó khăn khi truy xuất nguồn gốc và kiểm soát chất lượng. Ðây chính là những vấn đề cần được các cơ quan chức năng sớm có biện pháp để quản lý một cách hiệu quả.
Nguồn: nhandan.com.vn