Triển vọng ngành dược trong năm 2024 và những năm tiếp theo

14:50 - 08/12/2023 1336

Dược liệu Việt Nam: Thực trạng và chính sách để phát triển
Ủy ban Codex quốc tế ban hành tài liệu tiêu chuẩn chung Codex về Phụ gia thực phẩm Codex Standard 192-1995 (phiên bản 2023)
Danh sách các đợt đánh giá Thực hành tốt (GxP) đã tiến hành năm 2024 (Cập nhật tới ngày 18/03/2024)
Danh sách các cơ sở trong nước đạt tiêu chuẩn nguyên tắc GLP (Cập nhật tới ngày 18/03/2024)
Danh sách các CSSX trong nước đạt tiêu chuẩn nguyên tắc GMP (Cập nhật tới ngày 18/03/2024)

Theo dự báo của Tổ chức IQVIA, ngành dược phẩm Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) về doanh thu khoảng 8% trong giai đoạn 2019-2023. Trong khi đó, theo đánh giá của các chuyên gia và doanh nghiệp tham gia khảo sát của Vietnam Report, trong những tháng còn lại năm 2023, ngành dược vẫn đối mặt không ít thách thức, đặc biệt là kênh OTC sẽ gặp nhiều rào cản trong việc duy trì tăng trưởng do tình hình phục hồi kinh tế vẫn chậm và chưa thể cải thiện trong ngắn hạn.

Triển vọng ngành dược trong năm 2024 và những năm tiếp theo

Mặc dù đưa ra lưu ý cần theo dõi sát sao tốc độ chuyển trạng thái của nền kinh tế và nguy cơ gia tăng chi phí đầu vào do diễn biến của các cuộc xung đột trên thế giới song nhìn chung, đa số doanh nghiệp vẫn đưa ra góc nhìn lạc quan về triển vọng của cả bản thân doanh nghiệp, ngành và nền kinh tế vào năm 2024. Đặc biệt, theo kết quả khảo sát các doanh nghiệp, ngành dược nhiều khả năng sẽ phục hồi trước nhịp phục hồi của nền kinh tế và tình hình sẽ có những cải thiện đáng kể trong quý IV năm sau.

Về tầm nhìn dài hạn, Việt Nam được các tổ chức đánh giá là một trong những thị trường “dược phẩm mới nổi” - một nhóm các quốc gia có tỷ lệ thâm nhập dược phẩm tương đối thấp và tiềm năng tăng trưởng cao. Với dư địa phát triển lớn, ngành dược đang đón nhận những cơ hội quan trọng để thay đổi toàn diện và bứt phá trở thành một trong những trụ cột kinh tế. Trong đó, một số điểm sáng để kỳ vọng được chỉ ra, bao gồm:

Thứ nhất, quy mô dân số lớn, tốc độ già hóa nhanh, mức sống và trình độ dân trí ngày càng cải thiện: Một trong những nền móng cho tiềm năng phát triển của thị trường dược Việt Nam đến từ quy mô dân số lớn - trên 100 triệu dân và đang trong quá trình già hóa nhanh, nhu cầu nhu cầu được chăm sóc và điều trị bằng thuốc và dược phẩm ngày càng cao hơn và chi tiêu cho dược phẩm đang trên đà tăng trưởng mạnh. Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam sẽ trở thành nước có dân số già vào năm 2038 với tỷ lệ người 60 tuổi trở lên đạt trên 20%. Thậm chí, đến năm 2049, tỷ lệ người cao tuổi sẽ chiếm khoảng 25% dân số. Mặt khác, dù mức tiêu thụ dược phẩm bình quân đầu người của Việt Nam vẫn còn thấp so với các nước, song mức thu nhập của người dân đang có những cải thiện và nhận thức của người dân trong việc chăm sóc sức khỏe ngày càng cao, nhất là kể từ sau đại dịch Covid-19. Đây là những yếu tố góp phần khiến mức độ sẵn sàng chi trả cho các dịch vụ y tế tăng lên, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của ngành dược.

Thứ hai, cơ hội các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) mà Việt Nam đã ký kết: là động lực tăng trưởng của ngành dược trong thời gian tới, khi tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dược phẩm mở rộng thị trường xuất khẩu, phát triển mạng lưới phân phối, tiếp cận thêm vốn, công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao hướng tới các dòng sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao hơn chẳng hạn như EU-GMP. Doanh nghiệp dược có thể tận dụng các ưu đãi về thuế quan theo các hiệp định như hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA),... để có thể tiếp cận dễ dàng hơn các thị trường quốc tế. Đồng thời, các FTA thường đi kèm với việc khuyến khích chia sẻ kiến thức và công nghệ, cũng như tạo điều kiện cho hợp tác nghiên cứu và phát triển giữa các quốc gia. Điều này có thể giúp ngành dược Việt Nam có cơ hội hợp tác với các đối tác quốc tế để nâng cao chất lượng sản phẩm, cũng như phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới.

Thứ ba, các chính sách của Chính phủ và sự chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong ngành: trong những năm qua, Chính phủ đã nỗ lực triển khai nhiều chính sách, cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư để “chạy đua” thu hút nguồn lực phát triển ngành công nghiệp dược. Điển hình là mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1165/QĐ-TTg về việc phê duyệt chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 được coi là kim chỉ nam cho sự phát triển của ngành dược cũng như các doanh nghiệp trong ngành. Với những mục tiêu cụ thể để góp phần tăng tính tự chủ, từng bước làm chủ công nghệ, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao trong khu vực. Bên cạnh đó, một động lực quan trọng tiên quyết đến triển vọng của ngành dược trong những năm tới đến từ sự linh hoạt, chủ động nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, nhanh nhạy nắm bắt các xu thế mới của doanh nghiệp trong ngành. Việc không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng sản phẩm, ứng dụng ngày càng nhiều dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo trong nghiên cứu, vận hành sản xuất, tiếp thị cũng như các động thái triển khai liên kết với các đối tác, đặc biệt là đối tác nước ngoài để có thể nâng nhanh quy mô tổng vốn, tài sản và tận dụng năng lực công nghệ sản xuất, kinh nghiệm của họ được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh tốc độ phát triển của ngành này.

Chiến lược ưu tiên từ góc nhìn các doanh nghiệp đầu ngành

Với những thay đổi nhanh chóng trên của thị trường, mức độ cạnh tranh ngày càng tăng cũng như tác động mạnh mẽ từ những tiến bộ công nghệ, việc chủ động xoay trục chiến lược sản xuất – kinh doanh phù hợp, định vị hình ảnh, thương hiệu, tận dụng những thế mạnh vốn có và đổi mới linh hoạt trên nhiều phương diện để đón đầu các xu thế được cho là nhiệm vụ thiết yếu để các doanh nghiệp ngành dược nâng cao sức cạnh tranh, khẳng định vị trí của bản thân trong trật tự mới của thị trường.

các doanh nghiệp đầu ngành dược đã ghi nhận một số chiến lược trọng tâm theo từng mốc thời gian khác nhau.

Trong ngắn hạn, (1) Tập trung xây dựng nhóm hàng chiến lược có doanh số lớn và lợi nhuận cao, (2) Nâng cao hình ảnh doanh nghiệp, đẩy mạnh marketing, (3) Đa dạng kênh phân phối, (4) Tăng cường ứng dụng công nghệ trong vận hành và tiếp thị bán hàng, (5) Đầu tư nâng cấp, mở rộng dây chuyền sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn quốc tế là Top 5 ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp ngành dược.

Giữa bối cảnh môi trường kinh doanh còn nhiều yếu tố bất lợi, 47,4% số doanh nghiệp dược cho rằng việc tập trung vào một nhóm hàng chiến lược sẽ được ưu tiên triển khai trong ngắn hạn để giúp doanh nghiệp tối ưu hóa chi phí, tập trung nguồn lực trong nghiên cứu và phát triển, cũng như quảng cáo, tiếp thị. Việc xác định thế mạnh, những sản phẩm mũi nhọn của mình giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong tiến trình thiết lập thương hiệu và uy tín trên thị trường, tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Chiến lược Nâng cao hình ảnh doanh nghiệp, đẩy mạnh marketing cũng nhận được nhiều sự quan tâm của những cái tên đầu ngành trong một năm tới. Đáng chú ý, ngoài các công cụ marketing truyền thống, có những doanh nghiệp dược đã lựa chọn tạo uy tín thương hiệu, xây dựng cảm tình thương hiệu thông qua trách nhiệm xã hội (CSR). Sự thay đổi trong nhận thức, hành vi của người tiêu dùng đã khiến doanh nghiệp thay đổi tư duy: thiết lập các chiến lược marketing không chỉ để khách hàng biết đến tên doanh nghiệp mà còn phải truyền đạt và nhấn mạnh được giá trị cốt lõi, sứ mệnh cao đẹp của doanh nghiệp tới khách hàng. Một điểm đặc biệt khác được các doanh nghiệp chia sẻ là sự đánh giá cao sức mạnh của marketing truyền miệng (Word Of Mouth). Nếu như trước kia marketing truyền miệng bị giới hạn bởi khoảng cách vật lý và thời gian thì giờ đây nhờ vào phương tiện truyền thông xã hội, những gì khách hàng chia sẻ có thể tiếp cận với hàng triệu người dùng và có tiềm năng phát triển theo cấp số nhân với mỗi lượt chia sẻ, đăng lại. Do đó, doanh nghiệp có thể định hướng lấy khách hàng làm trung tâm, chú trọng tạo ra trải nghiệm khách hàng tích cực và sự hài lòng xuyên suốt hành trình khách hàng từ khi bắt đầu tìm kiếm thông tin sản phẩm, mua hàng cho đến trải nghiệm các dịch vụ hậu mãi, từ đó, thúc đẩy Word Of Mouth - biến khách hàng thành kênh tiếp thị cho thương hiệu thông qua chia sẻ trải nghiệm của bản thân.

Các doanh nghiệp dược cũng đẩy mạnh quá trình nâng cấp tiêu chuẩn sản xuất lên GMP – ASEAN → GMP – WHO → PIC/S → EU – GMP và các tiêu chuẩn tương đương nhằm thích ứng với yêu cầu về chất lượng ngày càng gia tăng và phù hợp quá trình toàn cầu hóa của ngành y dược Việt Nam trong quá trình hội nhập với thế giới. Song song với đó, tích cực hoàn thiện chuỗi phân phối, mở rộng mạng lưới tiêu thụ sản phẩm, mở rộng đa kênh cả bán trực tiếp, qua trung gian hay các sàn thương mại điện tử,.., đồng thời ứng dụng hiệu quả công nghệ 4.0 trong các hoạt động, áp dụng các phần mềm tiên tiến vào công tác quản trị để tối ưu chi phí và tăng hiệu suất, chẳng hạn như ứng dụng các phần mềm ERP trong sản xuất, quản trị công ty, phần mềm DMS quản trị kênh phân phối để tạo ra cơ hội đổi mới trong một ngành công nghiệp ngày càng đòi hỏi sự hiện đại hóa và linh hoạt.

Thông qua những tiến bộ trong nghiên cứu và sản xuất, sự nhạy bén với các phương pháp, công nghệ mới, doanh nghiệp ngành dược đã và đang nhanh chóng bắt kịp với xu hướng thị trường, cải tiến liên tục để cung cấp sản phẩm, dịch vụ đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của toàn xã hội. Việc phát triển ngành cần dựa trên nền tảng khoa học, với lộ trình kiến tạo một hệ sinh thái phát triển lành mạnh dựa trên cạnh tranh, đổi mới sáng tạo, hội nhập sâu rộng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành dược Việt Nam trong khu vực và thế giới. Do đó, song song với những hỗ trợ từ phía Chính phủ, các chuyên gia, nhà khoa học và cộng đồng doanh nghiệp cũng cần sự liên kết chặt chẽ để đẩy mạnh nghiên cứu phát triển các sản phẩm dược mới, thuốc biệt dược, thuốc phát minh,… trong khi giữa các doanh nghiệp cũng cần sự hợp tác, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, tạo lợi thế gia tăng tiềm lực tài chính, tận dụng cơ sở vật chất, vùng trồng dược liệu và công nghệ sẵn có và mạng lưới hoạt động, từ đó góp phần hiện thực hóa tầm nhìn của Việt Nam đối với ngành y dược. Dù thị trường còn nhiều ẩn số, song nhìn chung, với dư địa phát triển lớn, ngành dược đang đón nhận những cơ hội quan trọng để thay đổi toàn diện và bứt phá trở thành trụ cột kinh tế trong thời đại mới.

Nguồn: Vietnam Report